Danh mục

Tục đốt vàng mã bắt nguồn từ đâu? Ngày nay có nên đốt vàng mã hay không?

Có nên đốt vàng mã cho người quá cố không? Tại sao lại đốt vàng mã ngày rằm tháng 7, ngày tết, giao thừa, ông công ông táo…. Đi tìm ý nghĩa tục đốt vàng mã của người Việt.

Đốt vàng mã là phong tục tập quán của người Việt có từ xa xưa. Vậy tục đốt vàng mã bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì, ngày nay chúng ta có nên tiếp tục duy trì phong tục này hay không?

Vì sao có tục đốt vàng mã?

Theo nhà nghiên cứu sử Đặng Hùng, đốt vàng mã xuất hiện ở Việt Nam từ thời xa xưa, với quan niệm “trần sao âm vậy”. Người ta đốt vàng mã, là với niềm tin, gửi được của cải, tài sản cho người chết.

Đốt vàng mã cho người quá cố

Cũng theo ông Hùng, thì nguồn gốc tục lệ này bắt nguồn từ Trung Quốc. Thời nhà Chu (1122 trước công nguyên), vua chúa chết, thì thê thiếp, thục hạ sủng ái cũng bị chôn theo. Thậm chí, quan lớn, người giàu chết cũng được chôn theo người hầu, tài sản có giá trị.

Tục lệ chôn người sống theo sau này được bãi bỏ, nhưng chôn theo gia sản thì còn kéo dài đến mãi sau này. Ở Việt Nam, thời kỳ Bắc thuộc, trong các ngôi mộ Hán có vô số của cải, cả chum tiền xu, thậm chí vàng bạc, ngọc ngà.

Đến đời Hán, đầu công nguyên, tục lệ chôn thê thiếp được bãi bỏ. Người ta làm hình nhân, vàng bạc, đồ vật bằng giấy thay cho người thật, đồ thật để đốt khi tang lễ. Tuy nhiên, thời kỳ đó, tục đốt vàng mã chủ yếu lưu truyền trong cung đình, giới quan lại, chứ người dân không đốt vàng mã.

Đến đời Đường, một ông sư tên Đạo Tăng, muốn lôi kéo nhân dân theo Phật giáo, bèn bịa ra chuyện đốt vàng mã để chuyển tài sản cho người chết. Ông này tâu với vua Đạt Tôn: “Rằm tháng 7 là ngày xá Diêm Vương xét tội vong nhân. Vua nên cho thiên hạ đốt thật nhiều vàng mã để biếu vong nhân”. Vua Đạt Tôn vừa muốn được lòng dân, lại tin lời Đạo Tăng nên thuận ý, kêu gọi người dân đốt vàng mã.

Chính vì thế, ở Trung Quốc, thời kỳ đó, tín đồ Phật giáo đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên, cúng vong nhân. Trong khi, quan niệm của Phật giáo Trung Quốc, là người chết thì tái sinh, nhưng lại đốt vàng mã gửi cho người chết, thì chẳng rõ có sự liên quan gì.

“Với 1000 năm Bắc thuộc, người Việt chịu ảnh hưởng khá sâu sắc nhiều trò mê tín dị đoan của người phương Bắc, trong đó, tục đốt vàng mã không chỉ ảnh hưởng nặng nề, mà còn ngày càng dị đoan hơn cả bên Trung Quốc” – ông Đặng Hùng cho biết.

Theo Phật giáo, khi tái sinh vào cõi nào thì sự thọ dụng (ăn, mặc, ở, tiện nghi…) hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp lực của loài chúng sinh trong cõi ấy. Đơn cử, nếu đủ phước tái sinh làm trời thì sự thọ dụng của loài trời thắng diệu gấp nhiều lần loài người. Nếu mang những vật phẩm tối hảo của thế gian dâng cho chư thiên ở cõi trời chỉ khiến họ nhờm gớm, ghê tởm, không thể nào thọ dụng được. Ngược lại nếu chúng sinh tội lỗi nặng nề bị tái sinh vào địa ngục chịu đau khổ vô lượng cũng không thọ dụng được bất cứ thứ gì của cõi người, ngoại trừ đem công đức phước báo hồi hướng cho họ. Chỉ các chúng sinh trong loài ngạ quỷ (và một số quỷ thần trong loài a-tu-la) mới có thể thọ dụng được “mùi vị” của đồ ăn, thức uống, hoa hương của loài người dâng cúng. Họ cũng không thọ dụng được giấy tiền vàng mã mà loài người (đốt) cho họ.

Như vậy, tập tục đốt áo quần, đồ đạc, tiền vàng, nhà cửa, xe cộ… cho người chết thọ dụng là tín niệm, tín ngưỡng dân gian. Tín niệm này có mặt nhiều nơi trên thế giới với các hình thức khác nhau, riêng ở nước ta ảnh hưởng tập tục này từ văn hóa dân gian Trung Quốc. Phật giáo chính thống không có tín niệm này. Vậy có nên đốt vàng mã hay không?

Mâm cơm cúng gia tiên

Đốt vàng mã không phải là cách duy nhất thể hiện đạo hiếu với người quá cố

Đốt vàng mã có ý nghĩa gì? Đạo hiếu có thể được xem như một trong những đặc điểm văn hóa đặc biệt của người Việt. Mà đốt vàng mã lại được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh. Đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ xưa cho tới ngày nay, được xem như là văn hóa tâm linh

Vào các dịp ngày rằm tháng 7, mùng 1, ngày tết, ngày giỗ, ma chay… người dân Việt Nam đốt vàng mã rất nhiều, với số lượng và chủng loại ngày càng gia tăng. Mà số tiền để mua các loại hàng mã như ngựa, nhà, điện thoại, máy tính, tivi, quần áo… không phải là nhỏ. Chưa kể tục đốt vàng mã cũng gây ra không ít vấn đề:

Thứ nhất, nó tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc.

Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan. Niềm tin không đúng, bị nuôi dưỡng một cách mù quáng, tức là người thực hiện việc đốt vàng mã có thể chẳng hiểu gì về tác dụng của việc làm mà chỉ bắt chước làm theo, do lo sợ, do tham lam muốn "mua chuộc" sự phò trợ của ông bà, tổ tiên hay thậm chí là... báo hiếu.

Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích, dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã.

Thứ tư, phí phạm tài sản, chẳng hạn mỗi người mua vàng mã với số tiền nào đó rồi đem đốt, đó là giá trị phải mất thật (bằng cách đốt bỏ), trong khi người chết không hưởng được gì cả.

Nói là trọng chữ hiếu, con người luôn phải ghi nhớ nguồn gốc, cội nguồn của mình nhưng liệu có phải cứ đốt thật nhiều vàng mã đã là đủ, mà cần là cái tâm, nếu có tâm thì không cần phải đốt vàng mã. Với đủ các loại tiền mã mà chúng ta đang đốt thì liệu có ai có thể kiểm chứng được người âm có thể nhận được. Câu trả lời là không? Không ai biết được khi ta còn ở kiếp người.

Đốt vàng mã chính là một sự mâu thuẫn trong tâm tư của con người. Khi người thân mất đi, ai cũng cầu mong họ sẽ được về một thế giới an lạc, một thế giới tươi đẹp chứ không ai mong muốn người thân chết đi lại phải xuống âm phủ. Thế nhưng khi người Việt đốt vàng mã thì lại có ý nghĩ rằng đốt cho người thân ở dưới âm phủ có cái mà dùng. Đó chính là một sự mâu thuẫn lớn trong tư tưởng. Tâm thì muốn người thân đi về cõi trên, nhưng hành động thì lại thể hiện là người thân đó bị đày xuống địa ngục làm trâu làm ngựa, làm ma quỷ để nhận những thứ được đốt, tức là người đó sẽ không được siêu thoát.

Theo lời thầy Thích Tịnh Giác, chúng ta đang lừa gạt chính mình. Tội lừa dối chính bản thân là tội nặng nhất. Chúng ta cúng 1 triệu nhưng lại không dám cầm 1 triệu đó ra để đốt, mà phải tốn thêm 50 nghìn tiền xe để chạy đi mua vàng mã, tức là quy đổi tiền thật thành tiền giả, đồ dùng giả sau đó mới mang về đốt để lừa dối chính mình. Như vậy, chúng ta đang sống có xác mà không có hồn, không có sự tỉnh thức. Con người sống mà không có hồn là con người vô dụng, không có ích cho xã hội và là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Thay vì đốt vàng mã, thì ngoài kia bao nhiêu người nghèo đang đói khổ, đang mắc phải chứng bệnh nặng sao không góp tiền lại để cứu giúp họ, đóng góp để nghiên cứu chữa trị những căn bệnh nan y mà lại nhẫn tâm đem đốt những đồng tiền của mình một cách vô nghĩa. Chúng ta đang tin tưởng một cách vô căn cứ những điều chúng ta đang làm. Có khi nào bạn tự hỏi rằng: Tại sao phải mua vàng mã để đốt chưa? Hay điều này đã trở thành quen thuộc từ khi bạn sinh ra cho đến lúc lớn lên, bạn mặc nhiên công nhận và tự giác làm theo mà không thấy phiền hà gì.

Các mặt hàng vàng mã ngày càng đa dạng

Tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của chính mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên đã khuất là một điều có thể thể hiểu được. Nhưng xã hội dần thay đổi, con người cũng phải thay đổi để hòa nhập với xu thế mới, những thứ không còn phù hợp với hiện tại thì phải cần loại bỏ và đốt vàng mã là một trong số đó.

Theo dõi xem tử vi để cập nhật thêm những thông tin hữu ích khác.

 

Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi

Bài viết liên quan