Những lời phật dạy về sinh lão bệnh tử, quán niệm về sự chết con người ắt buông bỏ được vọng tưởng đời thường.
Sinh tử là quy luật tự nhiên không ai có thể tránh khỏi, nhưng khi đối diện giữa sự sống và cái chết phàm là con người ai cũng sợ hãi, đau khổ. Xem ngay lời Phật dạy về sinh tử để thoát khỏi vòng luân hồi biển khổ.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phẩm 38 có chép như sau:
“Đức Phật hỏi một vị Sa môn: "Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?". Đáp rằng: "Trong vài ngày". Phật nói: "Ông chưa hiểu Đạo". Đức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Đáp: "Khoảng một bữa ăn". Phật nói: "Ông chưa hiểu Đạo". Đức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Đáp: "Khoảng một hơi thở". Phật khen: "Hay lắm! Ông là người hiểu Đạo."
Đối với đức Phật thì người hiểu đạo là người có sự quán sát tỉ mỉ về thân vô thường chỉ tồn tại trong từng hơi thở, tức sinh tử rất mong manh, vì một hơi thở ra không vào là đã qua đời khác. Quán cái thân vô thường trong mỗi hơi thở là để phá kiến chấp về thân vì thấy rõ bản chất của nó là duyên sinh vô ngã. Có quán như thế mới thấy được rằng không phải khi nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết, mà sự thật là cái chết đã thể hiện qua trong từng hơi thở.
Phàm là con người sống trên thế gian này, dẫu giàu sang phú quý hay nghèo khổ bần hàn, ai rồi cũng phải chết. Quyền cao chức trọng, kho vàng đụn bạc, vợ đẹp con khôn đều cũng có lúc chia lìa. Sinh, lão, bệnh, tử, đó là những quy luật bất biến của đời người.
Giai đoạn sinh: May mắn thì được sinh ra trong gia đình khá giả, được đi học, được ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống vật chất đầy đủ. Nếu không may sinh ra trong gia cảnh nghèo nàn, khó khăn phải bươn chải ngoài xã hội kiếm sống phụ với gia đình, có nhiều người còn không đủ tài chính để được đi học, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Thời gian này nỗi khổ đã hiện diện trong cuộc đời của người trẻ dù được sinh trong gia đình giàu hay nghèo.
Giai đoạn lão: khi thành người lớn, lập gia đình, sinh con đẻ cái, làm việc quần quật kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi dạy con thơ cho đến khi chúng trưởng thành. Cuộc sống gia đình có lúc vui vẻ hạnh phúc nhưng đa phần trải qua những phiền não lo âu từ trong nhà ra ngoài cộng đồng xã hội. Thời gian này con người sống trong căng thẳng vì lúc nào cũng nỗ lực, bon chen ... Có thể những nỗ lực đó là để hướng tới một mục đích cao thượng, cũng có thể là vì tham vọng muốn được sự giàu sang về tài sản và danh lợi cho bản thân, cho gia đình mình. Dù mục đích tốt hay xấu, ít người nào chịu dừng lại ở một mức độ nào đó, bởi tiền tài danh vọng nhiều bao nhiêu cũng không lấp đầy lòng tham của con người. Đến một mức nào đó và theo thời gian con người bắt đầu già cỗi dù giàu hay nghèo, xấu hay đẹp ai rồi cũng phải già, không ai tránh khỏi.
Giai đoạn bênh: Bệnh tật không tha bất cứ ai bao giờ, nặng hay nhẹ, thoáng qua hay kinh niên, từ người giàu sang đến kẻ bần hàn. Những căn bệnh cứ âm thầm gieo cho con người nỗi sợ hãi và từ từ cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng từng giây phút.
Giai đoạn tử: Đây là cái đích cuối cùng mà con người ai cũng phải tới, không ai có thể tránh khỏi, mà ít ai chịu chấp nhận nó, khi nó tới gần thì sợ hãi.
Sự chết không hề đáng sợ
Sống an nhiên cho đời thảnh thơi
Trong Kinh Pháp cú thí dụ có ghi, bốn anh em Phạm chí chứng ngũ thông, biết còn bảy ngày nữa là chết, nên đến chào tạm biệt đức vua. Người thứ nhất nói: “Tôi lặn xuống biển, ở giữa chừng thì vua Diêm Vương sẽ không làm gì được”. Người thứ hai nói: “Tôi chui vào kẹt núi Tudi”. Người thứ ba nói: “Tôi bay trốn trong hư không”. Người thứ tư nói: “Tôi lẩn vào trong chợ”. Quả tình bảy ngày sau, quỷ vô thường đến. Người coi chợ thấy có một người Phạm chí chết ngoài chợ, đến tâu với vua. Vua đến bạch Phật, Phật khai thị rằng: “Người đời có bốn việc không thể trốn khỏi. Một là ở trong thân trung ấm không thể sanh, sanh đều phải già, già đều phải bệnh, bệnh đều phải chết”. Tức là bốn việc đó, không ai trốn được hết. Nếu chúng ta làm việc cực thiện, khi chết sẽ được tái sanh lên cõi trời; nếu chúng ta làm việc cực ác, sẽ bị đọa xuống hỏa ngục; còn những người nào lưng chừng thì thọ vào thân trung ấm, đúng 49 ngày sau là phải tái sanh, nên mới nói “ở trong thân trung ấm không thể sanh…”
Thế Tôn nói kệ:
Không trên trời giữa biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn khỏi tay thần chết
Mãi lo nghĩ trước mắt
Cùng những việc sẽ tới
Người làm lòng chẳng yên
Lo già chết theo liền
Biết thế nên tự tĩnh
Như thế sanh đã hết
Tỳ kheo thắng binh ma
Được thoát vòng sanh tử.
Theo lời Phật dạy, ta biết chắc chắn mình sẽ chết, nên mình dừng lại và tỉnh, tức là “sanh đã hết”, thắng được binh ma phiền não thì được “thoát vòng sanh tử”.
Chúng ta có thể đón cái chết bất cứ lúc nào, ví như bị rắn độc cắn, bị tai nạn xe cộ, sóng thần, động đất… Trong Kinh Xuất Diệu có kể một câu chuyện: Tôn giả A Nan đi khất thực cùng Đức Phật vào thành Xá Vệ thấy một đám đông bao quanh một vị nghệ sĩ tài ba, ai ai cũng tán thán. Nhưng sau khi khất thực xong đi về, Tôn giả thấy chàng trai này đã chết, rất đỗi ngạc nhiên, Ngài đến bạch Phật: “Điều hôm nay con trông thấy thật quá lạ lùng, chưa bao giờ thấy”. Đức Phật mới nói rằng: “Mạng sống con người qua nhanh như gió, khó kiềm giữ lại được. Thế thì lời ông vừa nói, có gì đâu mà lạ”. Rồi Thế Tôn nói kệ:
Sáng vừa mới thấy
Tối đã mất rồi
Hôm qua mới đó
Giờ đã không còn
Ta đang tuổi trẻ
Không cậy vào đâu
Tuổi trẻ cũng chết
Trai gái vô số.
Trong Kinh Pháp cú, Đức Phật có bài kệ:
Nhìn đời như ảo ảnh
Nhìn đời như bọt nước
Ai nhìn đời như thế
Thần chết chẳng làm gì.
Theo lời Phật dạy về sinh tử, sống chết là một quá trình tương tục không có khởi đầu và không kết thúc, trừ khi các bậc giác ngộ có khả năng đoạn trừ vòng sinh tử luân hồi. Nói khác, cái chết đặt mầm mống cho cái sống, đem lại cho cõi đời muôn vàn hương sắc, đồng thời cái chết giúp con người nhận thức sự phù du của cõi thế, sự mong manh của kiếp người, tính hư ảo của danh lợi. Cái chết còn cho phép ta nhận ra vẻ bi tráng của trần gian, sự mầu nhiệm của cuộc sống.
Quán niệm về sinh tử để thoát khỏi biển khổ luân hồi
Trong xã hội này, con người đang bị mê hoặc bởi ánh hào quang của danh và lợi, hay say đắm trong ái tình, nên cảm thấy vẫn còn ngày rộng tháng dài, không mảy may lo lắng. Bỗng một ngày tóc ngả muối tiêu, thân thể hao mòn, mới giật mình nhận ra những gì mình gom góp một đời sắp sửa thành hư vô. Chết đi rồi cũng đâu mang theo hay hưởng thụ được, vậy mà lại dành cả một đời chỉ để theo đuổi những vật chất tầm thường.
Chúng ta biết rằng sân hận là khổ, phiền não là khổ, làm tổn hại người khác sẽ làm người ta khổ, và chính ngay giờ phút đó ta cũng không sung sướng gì. Cho nên chúng ta phải tự chọn cho mình lối sống nào để khi thân hoại mạng chung, chúng ta tự làm chủ lấy mình thanh thản ra đi. Hay chọn bị nghiệp lực nặng nề dẫn chúng ta sanh vào những chỗ tương ứng với đời sống đầy tội lỗi tham sân si phải thọ quả của nhân đã gây ra trong đời này.
Như vậy chỉ có những ai hiểu được thân người khó đắc, kiếp người mong manh, một lòng hướng thiện, đắc chính pháp và nhẫn nhục tu hành, thì mới có cơ hội vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi biển khổ.
Theo dõi xem tử vi để cập nhật thêm những thông tin hữu ích khác.
Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi