Giải đáp câu hỏi tết Thanh minh là gì, lịch sử và ý nghĩa ngày tết Thanh minh, tảo mộ tháng 3 âm lịch, tiết Thanh minh năm 2018 là vào những ngày nào?
Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nó là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nhiều nơi người dân kết hợp tết Thanh minh với tết Hàn thực (tết bánh trôi bánh chay mồng 3 tháng Ba âm lịch). Tuy nhiên, tết Thanh minh được tính dựa trên quy luật vận hành của mặt trời – dương lịch, chứ không theo lịch mặt trăng – âm lịch, nên nó thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 tháng Tư dương lịch.
Tuy không phải là một tết lớn nhưng từ xa xưa tết Thanh minh đã trở thành một lễ hội quan trọng, thiêng liêng và đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Đây cũng là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên, những người đi trước.
Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, tưởng nhớ về quê cha đất tổ. Vì thế các hoạt động trong ngày lễ này thường là: làm cỏ các phần mộ (tảo mộ), sửa sang, thắp hương, lễ, khấn vái thành kính với vong linh người đã khuất. Phần dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn đọc biết ý nghĩa của tết Thanh minh là gì, tiết Thanh minh năm 2018 vào ngày nào? Mời bạn cùng tham khảo!
Tết Thanh minh là dịp để báo hiếu, trả nghĩa, đền đap công ơn của tổ tiên
1. Nguồn gốc tết Thanh minh
Tết Thanh minh bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại. Sổ sách ghi chép lại rằng, vào đời Xuân Thu, nước Tấn, vị vua khi đó là Tấn Văn Công gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay nước Tề, mai nước Sở. Bên cạnh vua lúc đó là một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi theo phò giúp. Một lần trên đường lánh nạn, do lương thực đã hết, Giới Tử Thôi liền cắt một miếng thịt đùi của mình nấu lên dâng vua. Vua Tấn Văn Công ăn xong mới rõ sự tình, đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua 19 năm, cùng trải qua bao hoạn nạn khó khăn. Sau này, Tấn Văn Công giành được ngôi báu, trở về làm vua nước Tấn, liền phong thưởng rất hậu cho những người có công nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Về phần Giới Tử Thôi, ông không oán giận gì mà cho rằng đó là nghĩa vụ, làm được gì cứ làm. Vì vậy, ông về nhà cùng mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Vua Tấn Văn Công sau này nhớ ra đã cho tìm Giới Tử Thôi, nhưng ông không chịu rời Điền Sơn. Vua liền hạ lệnh đốt rừng hòng ép Giới Tử Thôi phải ra, song ông nhất định không tuân theo, cuối cùng cả hai mẹ con đều chết cháy. Vì thương xót, nhà vua cho lập miếu thờ, hạ lệnh trong nhân gian kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (từ 3/3 đến 5/3 âm lịch hàng năm). Từ đó, ngày 3/3 âm lịch hàng năm được coi là ngày tết Hàn thực.
Tết Hàn thực được người dân nước ta tiếp nhận từ thời Lý, tuy nhiên ý nghĩa đã biến đổi, mang màu sắc truyền thống và phù hợp với tâm lý, cuộc sống của người dân nước Việt. Vào tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng như thường, chỉ có điều sẽ dùng bánh trôi – bánh chay vào ngày này với ý nghịa tượng trưng đó là thức ăn nguội – hàn thực. Cũng chính vì lý do đó mà tết hàn thực ở Việt nam còn được gọi là tết bánh trôi - bánh chay.
Cũng xuất phát từ tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên mà tết Thanh minh tại Việt Nam còn có tục Tảo mộ. Vào những ngày này, dù ai đi đâu cũng cố gắng trở về nhà cùng người thân đi tảo mộ, tụ họp bên mâm cơm gia đình.
Theo thông lệ, cứ sau tháng Giêng là người ta sẽ đi đắp mộ cho người quá cố. Trước Thanh minh một ngày, khi đi tảo mộ sẽ chuẩn bị thêm lễ bao gồm một bộ tam sinh (bò, heo, dê), giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy, bánh trái, thức ăn, thức uống… tùy theo tập quán của địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình để sắm lễ.
Tham khảo thêm các phong tục, ngày lễ tết khác của nước ta tại: Phong thủy cơ bản
Tiết Thanh minh năm 2018 vào ngày nào?
Công việc chính của tảo mộ là tu sửa mộ phần tổ tiên cho sạch sẽ, dọn cỏ dại, cây hoang, đắp lại nấm mồ cho dầy đặn. Sau đó gia chủ sẽ thắp vài nén hương, đốt vàng mã cho vong linh người đã khuất. Nhiều người cũng thường mủi lòng cắm thêm một nén hương cho những ngôi mộ vô chủ xung quanh.
Không còn khung cảnh hoang vắng, lạnh lẽo như thường, các khu nghĩa địa vào ngày tết Thanh minh thường đông đúc và nhộn nhịp. Cả người già, trẻ nhỏ đều náo nức đi đến những ngôi mộ của gia tiên thăm viếng. Đây cũng là cách để trẻ em được biết đến các mộ phần thuộc dòng họ, sau là để chúng làm quen với việc tỏ lòng kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Để rồi bất cứ ai đi làm ăn xa cũng sẽ nhớ trở về nhà vào dịp này để tảo mộ gia tiên, sum họp cùng gia đình.
2. Tiết Thanh minh năm 2018 vào ngày nào?
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Thanh có nghĩa là trong, Minh có nghĩa là sáng. Vì vậy Tiết thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của tiết được xem là Tết Thanh minh.
Theo lịch âm dương, tiết Thanh minh năm 2018 bắt đầu từ ngày 5.4 dương lịch (20.2 âm lịch, thứ Năm) và kết thúc vào khoảng ngày 20.4 (5.3 âm lịch, thứ Sáu) khi tiết Cốc vũ bắt đầu. Như vậy, ngày Tết Thanh minh năm Mậu Tuất 2018 sẽ là ngày 5.4.2018.
Người dân Việt Nam chọn Tết Thanh minh để tu sửa mộ phần tổ tiên, dòng họ (tảo mộ). Đây được coi là một phong tục đẹp, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống hiếu kính tổ tiên của dân tộc ta.
Lễ Thanh minh bao gồm lễ âm phần long mạch tại nơi đặt phần mộ, lễ gia thần và gia tiên tại nhà. Bắt đầu từ sau ngày tết Thanh minh cho đến hết tiết Thanh minh thì gia chủ phải chọn được ngày cúng lễ tại mộ phần và tại gia đình.
Khi đến nghĩa trang, nơi có đặt mộ phần của gia đình mình, gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung để lễ. Nếu nơi đó không có chỗ thờ thì có thể dùng các thứ đôn, kệ để đặt đồ lễ mà cúng vái. Lễ vật thông thường gồm có: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (chân giò, gà luộc hoặc là khoanh giò nạc độ vài lạng).
Xem thêm: Văn khấn, bài cúng tạ mộ tết Thanh Minh 2018 tại gia và ngoài mộ
Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi