Danh mục

Lời Phật dạy về buông bỏ cho lòng thanh thản, tâm thanh tịnh

Xem ngay những lời phật dạy về sự buông bỏ. Buông bỏ “tham, sân, si” để hồn được an lạc, thể xác được tự do

Đời người vốn là một vòng tròn nhân quả, luân hồi: ác giả ác báo, sinh – lão – bệnh – tử. Dù con người có chạy trốn thế nào, cũng không thể thoát được. Như lời Phật dạy về buông bỏ thay vì lo sợ, trằn trọc, đau khổ thì hãy buông bỏ mọi muộn phiền, tận hưởng những thú vui mộc mạc, thanh nhã.

Lời phật dạy về buông bỏ đáng suy ngẫm

1. Buông bỏ là gì?

Hai mẩu chuyện đáng suy ngẫm về sự buông bỏ

Câu chuyện thứ nhất:

Hai người bạn cùng nhau lên núi để tìm kiếm những viên đá đẹp.

Giỏ của anh chàng thứ nhất đựng đầy những viên đá, còn giỏ của anh chàng thứ 2 chỉ có 1 viên duy nhất. Anh chàng thứ nhất cười châm chọc: “Tại sao anh chỉ lấy mỗi viên đá thế này?”

Anh chàng thứ 2 trả lời: “Tuy có rất nhiều viên đá đẹp nhưng tôi chỉ chọn 1 viên tinh mỹ nhất là đủ rồi”.

Anh chàng thứ nhất cười và không nói gì, rồi cả hai cùng đi xuống núi. Càng đi, anh càng cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Cứ đi được một quãng, anh lại phải vứt một cục đá ở trong giỏ của mình đi. Cuối cùng, khi xuống được dưới chân núi, trong giỏ của anh ta chỉ còn lại một viên đá duy nhất.

Câu chuyện thứ hai:

Một vị sư phụ hỏi đệ tử: “Nếu các con phải nấu một ấm nước, lửa cháy được một nửa thì nhận ra không đủ củi để làm sôi ấm nước, vậy các con sẽ làm thế nào?”. 

Có đệ tử nói rằng sẽ nhanh chóng đi tìm củi, có người lại nói đi mượn củi, có người nói là đi mua củi.

Vị sư phụ này nói: “Vì sao không đổ bớt nước trong ấm đi?”.

Vậy buông bỏ là gì?

Buông bỏ chính là: Đối với chuyện quá khứ, hãy thôi hoài niệm; đối với người đã cất bước ra đi, thôi đừng níu kéo; đối với việc không làm được, thôi đừng tự trách; đối với thứ không đạt được, thôi đừng lưu luyến. Buông bỏ không phải là yếu đuối, mà là thông suốt; không phải là hồ đồ, mà là đã hiểu ra.

Buông bỏ là tha thứ, tha thứ cho sai lầm của người khác, bao dung cho khuyết điểm của người khác. Buông bỏ là nhẹ nhõm, không nghĩ ngợi lung tung, không canh cánh trong lòng.

Buông bỏ chính là nghe theo sự an bài của ông trời, cái gì thuộc về mình thì giữ gìn trân quý, cái gì không phải của mình thì không tranh giành, cái gì đến sẽ đến, không né tránh, nên đi thì cứ để đi, không níu kéo. Thuận theo tự nhiên, chấp nhận tất cả an bài.

Đời người bao nhiêu việc, việc gì cũng có thể nhiễu loạn nhân tâm, chỉ có buông bỏ, mới có thể xem nhẹ; chỉ có xem nhẹ, mới có thể thông suốt; chỉ có thông suốt, mới có thể biết đủ; chỉ có biết đủ, mới có thể hạnh phúc. Học được cách buông bỏ, cũng giảm được sự bất mãn, nếu bạn có thể buông bỏ, vậy cũng sẽ không phàn nàn nữa.

2. Phiền não là chuyện khó tránh khỏi

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường khó tránh khỏi những bất đồng, áp lực trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, và các mối quan hệ ở gia đình, nơi làm việc. Khi xảy ra tranh cãi, ta có thể không kiềm chế được và nổi nóng hay nặng lời, ta có thể thắng có thể thua, thường không dễ giữ được hòa khí…Kết quả là khiến chúng ta bị tổn thương hoặc gây tổn thương cho người khác. Thậm chí, sẽ cảm thấy chính bản thân mình trở nên đau đớn, mất niềm tin, rồi ân hận. Nhưng lời đã nói ra như bát nước hắt đi, ân hận lúc đó cũng đã muộn rồi.

Buông bỏ cũng chính là hạnh phúc

Lời phật dạy, trong lòng không khuyết thiếu thì được gọi là “phú”, được người khác cần đến, thì được gọi là “quý”. Vui mừng sảng khoái không phải là một loại tính cách mà là một loại năng lượng. Cách tháo gỡ phiền muộn tốt nhất chính là quên phiền muộn.

“Không tranh giành” chính là từ bi.

“Không tranh cãi” chính là trí tuệ.

“Không nghe” chính là thanh tịnh.

“Không nhìn” chính là tự tại.

“Tha thứ” chính là giải thoát.

“Biết đủ” chính là buông.

Sở dĩ con người sống không vui vẻ không hạnh phúc, nguyên nhân chủ yếu nằm ở 3 thói quen:

- Quen phóng đại hạnh phúc của người khác.

- Quen phóng đại đau khổ của bản thân.

- Quen lấy đau khổ của bản thân ra so với hạnh phúc của người khác, lấy khuyết điểm của bản thân ra so với ưu điểm của người khác.

Tất cả những nguyên nhân trên đều xuất phát từ sự ôm đồm của chính bản thân, hay nói cách khác là thái độ không bằng lòng với bản thân mình, cái gì cũng muốn được, muốn hơn mà không chịu "buông".

Sống trên đời, làm người không nên quá khắt khe, làm việc không cần quá cầu hoàn mỹ, niềm vui không thể hưởng hết, đối nhân xử thế nên hiểu được có chừng có mực, khoan dung đối với người khác chính là cho bản thân mình một phần linh động, một đường lui.

3. Những lời phật dạy về sự buông bỏ phiền muộn - đau khổ để bạn sống tốt hơn

Phật dạy rằng trên đời không có người xấu, người ác, kẻ thù, nên buông bỏ sân si.

Cái gọi là người xấu đó thực ra vì sai lầm trong nhận thức dẫn tới sai lầm trong hành vi. Cái gọi là người ác, thực ra vì ham muốn quá nhiều mà không từ thủ đoạn. Cái gọi là kẻ thù phải chăng vì không cùng ý chí, không cùng con đường mà nên.

Phật dạy, nhân sinh như mây, cuộc đời chỉ có một, đừng vì hoan lạc, đừng vì khổ đau, đừng vì hoang tưởng mà để phí hoài tháng ngày

Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: “Tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông nhưng không đươc. Lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta đã bỏ cô ấy xuống bên bờ sông rồi, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”

Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong đó chính là nghệ thuật nhân sinh. Ven đường nhìn thấy vô vàn cảnh đẹp, trải qua biết bao những gập ghềnh, khó khăn. Nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua và mang theo tất cả những khổ đau sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều phiền não. Sẵn sàng buông bỏ là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và an nhiên đối mặt với cuộc sống.

Tất thảy những điều đó đều là hư ảo, không mang lại bất kì ý nghĩa hay niềm vui đích thực vào trong cuộc sống. Hãy tự hỏi bản thân, lắng nghe con tim ta xem ta có đang hạnh phúc hay không. Nếu chúng không làm ta hạnh phúc, ta còn níu giữ làm gì? Hãy can đảm buông bỏ.

Biết buông bỏ bạn sẽ hạnh phúc

Quan niệm phật giáo xem tất thảy chúng sinh đều là Phật

Hiện tại là Phật, tương lai vẫn là Phật, không tăng không giảm. Mỗi người khởi nguồn đều có thiện tính, vì sinh tham sân si nên thiện tính mất dần, mỗi người sinh ra đều là Phật, vì không biết tu dưỡng nên Phật tính mai một. Vì thế, tu thân và bao dung hơn với người đời, đừng cho rằng bản tính xấu xa không thể chuyển dời.

Phật chỉ ra rằng kết thù kết oán tức là kết nghiệp vào thân.

Kiếp người vốn ngắn ngủi, mà lại cùng người ta ngu muội, cùng người đó làm điều hung họa, hãm hại lẫn nhau. Lúc đó, chính bản thân ta cũng thành người có dã tâm, lập thành nghiệp xấu.

Lời phật dạy về buông bỏ nhớ và làm theo thì không chỉ thanh thản hơn mà còn tích cực hơn, lạc quan hơn. Trên đời có ai mà không muốn thanh thản, có ai mà không muốn thanh tâm. Chỉ vì nỗi nhân tình thế thái chuyển dời, tạo hóa xoay chuyển đưa đến những tình huống trớ trêu.

Nhân quả luân hồi, cây ngay không sợ chết đứng. Luôn tích đức hành thiện, nói lời đẹp ý hay, mỉm cười bao dung với nhân thế, cuộc sống dẫu ngắn ngủi cũng trở nên ý nghĩa, ngập tràn niềm vui. Chìa khóa ở ngay trong tim ta, Phật soi đường, ta tự đi tìm. Thấy hay không còn nhờ vào cơ duyên của từng người.

Theo dõi xem tử vi để cập nhật thêm những thông tin hữu ích khác.

Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi