Lĩnh hội lời phật dạy về cuộc sống vô thường, giúp thức tỉnh đời người

10-12-2019 18:00

Những lời phật dạy trong cuộc sống hàng ngày về chữ nhẫn, làm người tốt, đối nhân xử thế, làm chủ thân tâm khi gặp khó khăn, phải tĩnh tâm khi bị người khác chửi… Những bài học giúp thay đổi cuộc đời.

Cuộc sống luôn chứa đựng những cạm bẫy, khó khăn thậm chí là khổ đau, đòi hỏi con người phải vững tâm vượt qua. Hãy cùng nghe lời dạy của Đức Phật về cuộc sống để tìm lại chân lý cho cuộc đời, tránh dấn thân vào con đường sa ngã.

Sống là điều hiếm có nhất trên đời này

Sống là điều hiếm có nhất trên đời này

Lời Phật dạy về chữ nhẫn

Trong quyển “Phật và Thánh chúng” của TT. Minh Tuệ có dẫn một câu chuyện đại ý như sau: Một hôm, Xá Lợi Phất cùng La Hầu La vào thành Vương Xá khất thực thì gặp bọn du côn. Chúng hốt cát bỏ vào bình bát của Xá Lợi Phất và đánh La Hầu La một trận. Vì chưa dứt được phiền não tập khí dồn nén, nên La Hầu La bụm mặt khóc thảm thiết. Sau khi về đến Tịnh xá, Đức Phật hay chuyện gọi La Hầu La đến dạy rằng: “Này La Hầu La, nhẫn nhục là đức hạnh vô cùng cao quý trong các hạnh. Muốn thành Phật, thuận gần Tăng ông phải cố tu hạnh nhẫn nhục. Người biết nhẫn nhục tâm hồn luôn thư thái, an ổn, diệt trừ được cái họa và trí huệ được phát sinh. Trí huệ là gươm báu để ta cắt đứt mọi gốc rể của vô minh, tham si và chấp ngã. Nhẫn nhục là điều kiện làm tuyên dương chánh pháp, là tư lương để sớm được giải thoát luân hồi sanh tử.”

Vậy nhẫn là gì? Nhẫn theo quan niệm của đạo Phật chính là nhận lãnh sự khinh khi, nhục mạ, não hại với một tâm thế bình thản, không tức giận. Nhẫn nhịn là dứt sự tranh cãi vô lý, là dùng chánh niệm để thắng tà niệm, là dùng tình thương để cảm hóa sự sân hận, là dùng trí huệ để mọi việc ôn hòa.

Lời Phật dạy về nhẫn nhịn có thể được đúc kết như sau:

Nhịn được cái tức một lúc

Tránh được mối lo trăm ngày

Muốn hòa thuận trên dưới

Nhẫn nhịn đứng hàng đầu

Cái gốc trăm nết

Nết nhẫn nhịn là cao

Cha con nhẫn nhịn nhau

Vẹn toàn đạo lý

Vợ chồng nhẫn nhịn nhau

Con cái khỏi bơ vơ

Anh em nhẫn nhịn nhau

Trong nhà thường yên ấm

Bạn bè nhẫn nhịn nhau

Tình nghĩa chẳng phai mờ

Tự mình nhẫn nhịn được

Ai ai cũng mến yêu

Người mà chưa biết nhẫn

Chưa phải là người hay

Người xưa hay nói: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Trong cuộc sống, hơn thua là chuyện thường tình, hỉ nộ ái ố đời người ắt phải trải qua. Nhiều hôn nhân tan vỡ cũng bởi vợ chồng không ai chịu nhường nhịn ai, nhiều tình bạn rạn nứt bởi hiềm khích không được hóa giải, cái tôi của mỗi người quá cao. Khi sân hận dẫn đến mất đi lý trí, hành động vượt ngoài tầm kiểm soát, lúc đó ta không chỉ làm tổn hại tới chính mình mà còn cả người khác.

Theo lời Phật dạy, nhẫn nhịn không phải là hạ thấp bản thân, hèn nhát không dám lên tiếng, mà chính là nâng mình lên, dùng sự thức tỉnh của mình để thức tỉnh kẻ khác. Nếu đôi bên không ai nhẫn nhịn, tranh cãi vẫn cứ tiếp diễn, ai cũng cho là mình đúng, rồi kết cục cả hai đều thất bại mà thôi.

Như vậy khi nhẫn nhịn được rồi ắt trong nghịch cảnh ta cũng không thấy bi lụy, không đau khổ, không oán trách người, tâm hồn thanh thản. Không nhẫn nhịn được chỉ thêm rước họa vào thân thôi. Bao dung, cảm thông, tha thứ cho lỗi lầm của người khác như vậy cuộc sống mới an nhiên, tự tại

Lời Phật dạy về chữ nhẫn

Im lặng là vàng, nhẫn nhịn là bạc

Lời Phật dạy khi bị người khác chửi

"Theo sử sách ghi chép lại, đại danh thần triều nhà Tống – Phú Bật là người rất độ lượng. Khi còn trẻ, từng có người nhục mạ ông nhiều lần nhưng ông đều làm ngơ, chỉ chuyên tâm làm tốt việc của mình, giống như không nghe thấy gì hết.

Một lần, Phú Bật gặp một người nổi tiếng là hung hãn, lỗ mãng. Người này vô duyên vô cớ đến nhục mạ, mắng nhiếc, chửi đổng Phú Bật, khiến ai nghe thấy cũng đều khó chịu.

Lúc ấy, người ngồi bên cạnh Phú Bật nói: “Hắn đang chửi ngài đấy!”

Phú Bật thản nhiên cười nói: “Tôi e là hắn đang mắng người khác đấy chứ!”

Người bên cạnh lại nói tiếp: “Hắn chửi tên của ngài đấy!”

Phú Bật vẫn không biểu lộ vẻ gì bất bình, nói: “Trên đời này, người trùng tên, trùng họ có rất nhiều. Cho nên, hắn chửi Phú Bật nhưng chưa chắc đã là ta!”

Người lỗ mãng kia sau khi nghe thấy Phú Bật nói với vẻ “không quan tâm” như vậy thì tự nhiên cảm thấy vô cùng xấu hổ, cho nên tự động rút lui và không nhục mạ Phú Bật nữa.

Như vậy nếu như Phú Bật lúc ấy mà đối chọi lại, “hắn chửi ta một câu, ta đáp trả một câu” thì mâu thuẫn sẽ tăng lên trầm trọng, nguy kịch hơn. Nhưng ông lại dùng tâm thái thản nhiên, xem nhẹ, nhường nhịn nên đã khiến lửa giận trong lòng đối phương tự nhiên tiêu tan, nghiệt duyên được thiện giải."

Không chỉ riêng ở con người, mà bất cứ ở loài động vật nào cũng vậy, tự vệ là bản năng sinh tồn, khi gặp mối nguy hại hay những hành động xấu hướng tới bản thân, lập tức ta sẽ “xù lông” ứng phó lại. Thật khó để có thể dùng tâm thế thản nhiên, ung dung đối phó lại những hành vi xúc phạm tới bản thân. Chỉ ai có lòng nhẫn nhục mới có thể không tức giận, trong lòng không hề oán giận trước những hành hạ thân xác, vu oan giá họa, nhục mạ tình thần như vậy.

Do đó, hãy xem xét miệng đời nói có đúng không, nếu đúng thì ta cảm ơn họ, ta sẽ dần dần khắc phục. Nếu sai, thì cũng trả lời ôn tồn, nở nụ cười nhã nhặn. Đó mới là cách ứng phó khôn ngoan.

Lời Phật dạy tĩnh tâm

Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão tử có câu: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc”, tức là phải giữ cho tâm hồn trống rỗng và tĩnh tại, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh xung quanh, để có thể suy ngẫm và quan sát những quy luật vận hành của thế giới tự nhiên.

Cuộc sống luôn chứa đựng những niềm vui đan xen nỗi buồn, khổ đau. Trước những chuyện tốt ta không khỏi vui mừng, phấn khởi, còn đối mặt với mất mát, khó khăn thì khó tránh khỏi đau buồn, khổ cực, ưu phiền. Như vậy, nếu muốn rèn khả năng tĩnh cho bản thân, trước hết cần giảm bớt những dục vọng vô biên, yên lặng trong từng hơi thể, không màng tới quá khứ, không lo lắng cho tương lai, chỉ cảm nhận những gì quanh ta, nơi ta đang sống. Điều này giúp cho con người tập trung và trầm tĩnh, không so đo, tính toán, xa rời những chuyện thị phi, những điều vướng mắc, không nhìn, không nghe, không nghĩ, mới có thể sinh tâm thanh tịnh.

Lời Phật dạy làm người tốt

Lời Phật khuyên răn con người tránh xa những điều không đúng để trở thành một người tốt. Con người cần hiểu về đạo làm người, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày để cuộc sống tốt đẹp, an lạc, tích đức cho đời sau.

Phúc hậu, lương thiện

Không làm những việc trái luân thường đạo lý, sẵn sàng giúp đỡ kẻ gặp khó khăn không chút toan tính gì. Đối xử hòa nhã với mọi người bất kể họ là ai từ ông chủ hay như một kẻ lang thang ngoài chợ.

Giữ chữ tín

“Nói lời phải giữ lấy lời” nói được thì phải làm được, nếu không làm thì đừng nói cho vui rồi để đấy, chỉ khiến cho người khác thất vọng và mất dần sự tin tưởng cho ta mà thôi. Vậy để làm người tốt cần đặt chữ tín lên hàng đầu, không dối trá, thất hẹn.

Khoan dung

Khoan dung là vĩ đại. Bỏ qua lỗi lầm của người khác cũng chính là sự giải thoát cho chính tâm trí chúng ta, không oán hận, không thù hằn.

Thành thật, chính trực

Làm người phải ngay thẳng, không dối trá, không sinh lòng tham, hãm hại kẻ khác, không vì lợi ích trước mắt mà đánh mất chính mình. Dám đứng lên đấu tranh vì lẽ công bằng, nói lên sự thật.

 

Lời Phật dạy làm người tốt

Lời Phật dạy làm người tốt

Đối nhân xử thế

Cuộc đời này ta sẽ phải gặp rất nhiều người từ yêu, ghét, quý mến hay lãng quên… Thì cũng cần phải ghi nhớ:

Với người bạn yêu thương, hãy quan tâm, chăm sóc, yêu thương hết mực, vì nếu họ rời đi ta sẽ phải đau khổ.

Với người đáng tin cậy, hãy duy trì mối quan hệ tốt đẹp này, đây chính là tri kỷ.

Với người bạn mang ơn, hãy đối xử tốt với họ, tránh làm họ muộn phiền, tổn thương.

Với người bạn ghét, nên mỉm cười xã giao vì họ giúp bạn kiên cường và cứng rắn hơn.

Với người phản bội bạn, hãy cứ vui vẻ, chính họ đã cho bạn bài học khó quên và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Lời Phật dạy làm chủ thân tâm

Làm chủ thân tâm là nhận biết được rõ ràng suy nghĩ, lời nói và hành động, mình như thế nào thì mình biết mình như thế đấy, ta tham ta biết ta tham, ta sân si ta biết ta sân si. Ta phải biết cách làm chủ bản thân từ suy nghĩ tới hành động, không để bị lôi kéo vào hoàn cảnh xấu. Nếu sống trong sự lãng quên, để mình trôi dài theo ngày tháng, không thấy được mình đang sống, đó không phải là sống có ý thức mà chỉ tuân theo vòng sinh tử luân hồi. Mỗi phút giây ta phải làm chủ được mình, làm sao để hôm nay sống tốt hơn hôm qua, cuộc sống an lạc, hạnh phúc, sống có trách nhiệm, có ý thức. Đừng để đến khi sắp rời xa cõi sống mới bừng tỉnh và hối hận cho cuộc đời.

Đời người ai cũng mang trong mình những ước mơ, hoài bão khác nhau, nhưng suy cho cùng cũng đều hướng về mục đích mưu cầu hạnh phúc, hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều người dù đạt được thành công trên con đường danh vọng nhưng lại khiếm khuyết về mặt tinh thần, họ không hề cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc cho dù đã có cuộc sống sung túc rất nhiều người mong ước. Nhiều gia đình dù khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười, mỗi ngày trôi qua đều là những ngày hạnh phúc, con cái hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, cha mẹ yêu thương, che chở, chăm sóc hết mực cho các con. Hay những người vì lòng tham mà sinh trộm cắp, hãm hại kẻ khác chỉ để trục lợi cho bản thân cho dù có giàu có thì cũng bị người đời oán trách, sớm muộn cũng gặp quả báo và trong nội tâm họ lúc nào cũng bất an, lo lắng.

Bởi vậy, người tu hành chân chính luôn “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” không tranh giành, không hơn thua, không đúng sai với đời. Đạo đức mới là nền tảng cho sự thành công bền vững và lâu dài của con người. Phải làm chủ được bản thân trước những cám dỗ, thị phi của đời người.

Lời Phật dạy khi gặp khó khăn

Phàm là con người, ai cũng đều có khó khăn, không ai là may mắn hết cả. Phật dạy khi đó không có gì phải oán giận hay than phiền cả, bởi khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua, nếu ta đương đầu bằng tâm thế sẵn sàng chiến đấu thì mọi chuyện sẽ nhanh chóng được giải quyết. Còn ngồi đó mà khóc lóc thì chẳng thể giải quyết được gì.

Không phải cứ trốn tránh khó khăn thì sẽ có được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Cứ mãi lẩn tránh không dám đối diện thì cảm giác lo âu, sợ hãi không bao giờ biến mất. Coi khó khăn là một trong những nhánh rẽ trong cuộc đời, ta đi qua nó với tinh thần tích cực cùng sự kiên cường. Không ai trong chúng ta thích bị áp lực, bị đánh bại nhưng chỉ cần kiên nhẫn, ta sẽ vượt qua bất cứ thách thức nào và đánh bại được mọi đối thủ. Đừng phí thời gian than vãn với bất kỳ ai, họ không quan tâm tới việc của bạn đâu, đừng hy vọng sẽ trông chờ vào được người khác, hãy tự đứng lên bằng đôi chân của mình.

Khi đã trải qua khó khăn thì thành công đang dần trong tầm tay rồi, không có mưa bão thì sao có được cầu vồng. Thành công không hề dễ dàng, nói thì dễ để làm mới khó. Trên con đường thực hiện ước mơ của mình, nếu không cần thiết thì tốt nhất đừng nói cho ai biết, trung thành và cố gắng với công việc của mình. Nếu lựa chọn của bạn là sai lầm, hãy từ bỏ, đừng lãng phí thời gian.

Theo Phật pháp, những khó khăn trong cuộc sống xuất phát từ trong suy nghĩ của con người. Nếu lúc nào cũng sợ hãi khó khăn đó khiến ta mệt mỏi, áp lực và khổ đau thì mọi vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí còn phức tạp hơn ban đầu. Bởi vậy để không bị phân tâm bởi những dòng suy nghĩ tiêu cực trước tiên cần phải bình tĩnh, làm chủ được suy nghĩ của mình, phân tích thấu đáo vấn đề, bạn sẽ chợt nhận ra nó không hề đáng sợ như bạn nghĩ và có thể vượt qua được một cách dễ dàng.

Mời bạn theo dõi xem tử vi để cập nhật thêm những thông tin hữu ích khác.

 

Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi

Bài viết cũ hơn:

Giác ngộ lời Phật dạy về sinh tử - Cho cuộc đời bớt khổ đau

Lời Phật dạy về buông bỏ cho lòng thanh thản, tâm thanh tịnh

Lời Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu đáng suy ngẫm

Những lời phật dạy về tha thứ sâu sắc và ý nghĩa

Lời Phật dạy về hôn nhân, đạo đức, hạnh phúc gia đình rất đáng suy ngẫm

Lời Phật dạy sâu sắc về cuộc sống giúp bạn tìm ra chân lí của cuộc đời

Bài viết liên quan