Lời Phật dạy về khẩu nghiệp và quả báo từ ác khẩu

13-12-2019 19:00

Khẩu nghiệp là gì? Tại sao khẩu nghiệp là loại nghiệp nặng nhất? Hãy cùng lắng nghe 10 lời Phật dạy về khẩu nghiệp.

Xemtuvi.mobi xin chào các bạn! Hãy đăng ký kênh để luôn cập nhật các video mới nhất nhé! Chúc bạn sẽ có những giây phút thực sự thư giãn và thoải mái.

Sau đây chúng ta hãy cùng lắng nghe những lời Phật dạy về Khẩu nghiệp và Nghiệp báo từ Ác khẩu.

Lời dạy của Phật về khẩu nghiệp

Lời dạy của Phật về khẩu nghiệp

Một hôm, Đức Phật nhận lời mời của long vương A Nậu Đạt, đưa 500 vị đệ tử đến long cung cho long vương được dịp cúng dường. Thọ cúng dường xong, Đức Phật đứng bên bờ ao A Nậu Đạt bảo 500 vị đệ tử mỗi người hãy kể lại chuyện kiếp xưa của mình. Lúc ấy có một vị tôn giả tên gọi là La Bi Đề đứng dậy kể rằng:

“Bạch Thế Tôn! Một trong những đời trước của con ở cõi Ta Bà này, gặp lúc đức Như Lai Câu Lưu Tôn giáo hóa ở thế gian, vì tất cả chúng sinh mà tuyên thuyết đủ các pháp vi diệu. Không lâu sau, đức Như Lai Câu Lưu Tôn nhập Niết bàn, người con Phật nào cũng vô cùng buồn thương.

Rất nhiều người cư sĩ tại gia muốn báo đáp ân sâu của Như Lai liền phát tâm xây cất một ngôi bảo tháp 7 tầng với một ngôi chùa lớn để thờ phụng thánh tượng của Như Lai và cũng để cho rất đông các vị tỳ kheo xuất gia có nơi trú ngụ. Do đó, mỗi ngày các vị cư sĩ phát đại tâm ấy đều hội họp nhau chuyên chú vào kế hoạch xây cất công trình vĩ đại này.

Lúc ấy con sống trong một thôn làng gần đó, thấy họ nhiệt liệt thành tâm trong việc xây chùa lập tháp như thế, thì trong tâm khởi lên một niệm vô minh phiền não, đã không tán thán công đức của họ mà còn ganh tỵ với họ nữa. Niệm ác trong tâm đã manh nha thì miệng không ngừng nói những lời ác độc, mắng họ ngu si, phỉ báng công đức của họ. Vì lẽ đó nghiệp tội đã định, khổ báo đã hình thành.

Không lâu sau con qua đời, đọa xuống địa ngục, bị ngọn lửa phiền não đốt cháy cả thân thể. Con kêu khóc, cầu cứu nhưng chẳng ai thương hại, chẳng ai giải cứu cho con. Nỗi đau đớn lúc ấy thật tưởng chừng như không sao chịu nổi! Có lẽ vì sự đau đớn quá thảm khốc như thế nên con đột nhiên sinh khởi tâm hối hận. Nhờ một niệm thiện tâm hối cải ấy nên các khổ báo bi thảm của địa ngục đã kết thúc mau lẹ.

Tuy bỏ được cái khổ địa ngục, nhưng con phải sinh ra làm một người thấp lùn, xấu xí, ai thấy cũng ghét bỏ, xa lánh, thậm chí còn không tiếc lời chửi rủa. Con phải mang thân xấu xí như thế qua mấy kiếp mới xả bỏ được. Tôn giả La Bi Đề kể xong câu chuyện đời trước của ngài, tất cả các vị tỳ kheo có mặt đều vô cùng hoan hỉ vì đã được nghe một bài học sâu xa về nhân quả.

“Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà bỏ qua”. Người tu luyện phải luôn giữ gìn miệng lưỡi, giữ gìn tâm ý, không để rơi vào điều ác. Một lời nói thiện, một niệm tâm thiện đều có công đức vô lượng. Câu chuyện kiếp xưa của Tôn giả La Bi Đề thật xứng đáng là một bài học cho tất cả mọi người suy ngẫm.

Khẩu nghiệp là gì? Đó chính là nghiệp do lời nói gây ra. Bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này.

Người xưa cũng có dạy: “ Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tỗn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê…để rồi phải tranh đấu, mạ lị lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm.

Nếu chúng ta tham lam, keo kiệt thì tạo nghiệp ác và sinh về cõi dữ là ngạ quỷ. Nếu chúng ta cướp bóc, giết người, ngày đêm làm những việc xấu thì tạo nghiệp rất ác và sẽ sinh về địa ngục. Vẫn có những người nghĩ rằng nghiệp chỉ do các hành động của mình gây ra mà không biết rằng nghiệp là do cả 3: Thân, Khẩu, Ý tức do các hành động việc làm cũng như do lời nói và các suy nghĩ.

Những người có trí tuệ hiểu rõ khẩu nghiệp nên chỉ sử dụng lời nói khi cần thiết, nói để đạt được kết quả mà mình mong muốn mà không làm tổn thương đến người nghe.

Khẩu nghiệp lành từ các lời nói tạo ra những kết quả tốt lành, làm lợi cho chính người đó và những người liên quan. Khẩu nghiệp ác từ các lời nói tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người nói ra và những người liên quan. Khẩu nghiệp còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, cả xã hội. 

Nghe lời Phật dạy, trong mười nghiệp của con người thì khẩu nghiệp là bốn, tức gần một nửa. Đó là: Chuyện không nói có, chuyện có nói không; Nói lời hung ác; Nói lưỡi hai chiều; Nói lời thêu dệt. Khẩu nghiệp ác là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà chúng ta tạo ra. 

Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn vết thương gây ra do lời nói. Chúng ta không nên nói lời ác độc, nói cho sướng miệng, toàn dùng những lời cay cú chữi bới nhục mạ người khác, tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa. Chớ nên nguyền rủa người ta, không nên nói lời tục tỉu khó nghe…

Không nói thêu dệt tức không nói thêm bớt, nghe câu chuyện ở đây xong đi kể cho người khác nghe, mà thường khi kể lại thì hay thêm chút ít để tăng phần phóng đại cuốn hút. Chắc đã không ít lần, các bạn được nghe những lời trong đời:

“Người khôn nói ít nghe nhiều, lựa lời đối đáp, lựa điều hỏi han.

Trước người hiền ngõ khôn ngoan, Nhường trên một bước, rộng đường dễ đi

Chuyện người, chớ nói làm chi, Chuyện mình, mình biết vậy thì mới khôn”

Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị mắc oán, cũng do cái miệng này hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người. “Thần khẩu nó hại xác phàm, Người nào nói quá họa làm khổ thân. Lỡ chân gượng được đỡ lên. Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi”.

10 Lời phật dạy về khẩu nghiệp

10 Lời Phật dạy về khẩu nghiệp

Dưới đây là 10 điều Phật dạy để xa rời Khẩu Nghiệp:

1. Nếu bạn nhẫn chịu oan khuất thì bạn là người được phúc báo

Người khác nhục mạ bạn, bạn nên coi như được bội phục, người khác làm tổn thương bạn, bạn nên coi như họ đến để thành tựu bạn.

Làm tổn thương người khác chính là tiêu xài công đức phát tài của mình, một người tâm địa xấu xa thường làm hại, làm tổn thương người khác, thì chính là mang tiền đến đưa cho người khác.

Ngược lại, một người có thể nhẫn nhục, chính là liên tục thu tiền. Người đại nhẫn giống như mở ngân hàng, có thể thu nạp từ trăm sông.

Trong mấy chục năm của cuộc đời, có rất nhiều chuyện và lời lẽ khiến chúng ta cảm động. Vì thế, chúng ta cũng nên nỗ lực tìm cách khiến người khác cảm động.

2. Trên thế giời này có một loại kinh doanh luôn lỗ vốn, chính là tức giận

Mọi người thường không chịu nhận sai, mọi thứ đều nói là lỗi của người khác, cho rằng mình mới là đúng. Kỳ thực không chịu nhận sai chính là một sai lầm.

Người mình nhận lỗi có thể là bố mẹ, bạn bè, người ngoài xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái và với cả người đối xử không tốt với mình. Bạn sẽ thấy rằng mình sẽ chẳng mất đi cái gì, mà ngược lại sẽ thấy được sự độ lượng của mình.

Nhẫn lỗi là một phẩm chất tốt, cũng là một loại tu hành.

3. Cái gì cũng không thể nhẫn nại, thành tựu của bạn sẽ bị giới hạn

Nhẫn nhịn cũng chính là điều mà con người gọi là bền chí, nghị lực. Cần phải nhẫn để được vừa lòng đẹp ý, tại sao vậy?

Người xưa dạy “một điều nhịn, chín điều lành”, cũng lại nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Quả thực, nhẫn nhịn có thể khiến tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, khoảng trời trước mặt cũng sẽ trở nên rộng mở bao la.

4. Niệm giận vừa khởi lên, triệu cửa nghiệp chướng liền khai mở

Một khi tâm oán giận vừa khởi lên thì trí tuệ sẽ không còn, lý tính bị che mất. Do đó sẽ xử trí theo cảm tính, không chỉ làm tổn thương mình, mà còn hữu ý hoặc vô ý gây thù kết oán với người khác.

Nếu không thể hóa giải thù oán, khi nhân duyên chín muồi, báo ứng sẽ hiện ngay trước mắt, oan oan tương báo, quả báo sẽ ngày càng tàn khốc hơn.

5. Thân thể, tâm trạng của con người cùng với tự nhiên dung thành một bức họa

Thất tình lục dục làm nhiễu loạn tự nhiên, nhiễu loạn thân thể người. Thất tình là “Thích, phẫn nộ, buồn, vui, yêu, ác, dục”. Trong đó tức giận, nổi cáu là gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Có người nói, tuổi thọ trung bình của con người lẽ ra phải là 200 tuổi, chính là do những phiền não của bản thân đã làm cho thân thể bị hư hại; người luôn sống trong cảnh giới đại từ bi thì không già, không yếu, không mê, không tà, khộng tiêm nhiễm – đây mới là niềm vui thật sự.

6. Thường cảm ơn trong lòng

Mặc dù người khác nhục mạ, phỉ báng, hãm hại bạn, cũng vẫn nên dùng thiện tâm để đối đãi, và tự đáy lòng mình cảm ơn họ.

Thực sự thì sự sỉ nhục, phỉ báng, và hãm hại của người khác, chính là để tiêu trừ nghiệp lực mà mình đã tạo ra trong đời này. Vậy nên quyết không thể để tâm oán hận nổi lên. Nếu vẫn còn tâm oán hận, thì không những không thể tiêu nghiệp, mà ngược lại còn làm cho nghiệp tăng lên.

7. Bạn hỏi Phật ngày nào tốt; Phật hỏi xem bạn có ngày nào bình yên?

Cuộc đời giống như một cái cặp da, khi cần dùng thì mới lấy, khi không dùng thì bỏ nó ra; lúc cần bỏ xuồng thì lại không bỏ, giống như mang theo hành lý nặng trĩu, không thể tự tại.

Những năm tháng của cuộc đời có hạn, vậy nên nhận sai, tôn trọng, bao dung thì mới có thể bình thản, buông bỏ mới có thể tự tại!

8. Nổi cáu là tối kỵ của tu hành, là đốt cháy rừng công đức của mình

Nếu không sửa đổi tính xấu này, thì vô luận là một ngày có niệm bao nhiêu bộ kinh, có thuyết bao nhiêu lần Pháp, thì bạn cũng không thể ra khỏi tam giới. Phát cáu là biểu hiện của vô minh, chính là không minh bạch.

9. Bất thiện, ác ý với người khác chính là chà đạp chính mình

Nếu ác ý với người người khác, thì người bị hại chỉ chịu 3/10, mà chính chúng ta mới phải gánh chịu phần nhiều 7/10, đó chính là chà đạp chính mình mà không tự biết.

Một câu nói ra khỏi miệng, gây sự tổn thương, thì chính mình là người gánh chịu phần lớn sự tổn thương đó. Bạn muốn mình khỏe mạnh, trường thọ và tràn đầy trí huệ, thì bạn phải dùng tấm lòng yêu mến để đối đãi với tất cả mọi người. Biết cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.

10. Lời nói làm tổn thương người khác, còn nghiêm trọng hơn cả giết người

Đây là sự thật mà rất ít người biết! Khẩu tạo nghiệp là dễ xảy ra nhất, mà cũng là tạo thành nhiều nhất, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết.

Nhẫn thì sẽ có thể xử lý và hóa giải, có thể biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì.

Có thể nhẫn, thì có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác, thị phi của thế gian. Vào buổi tối mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy tự hỏi chính mình: “Hôm nay mình có tức giận không?”.

Khẩu nghiệp sẽ nhận quả báo

Khẩu nghiệp sẽ nhận quả báo

Câu chuyện của Đức Phật về nhân quả báo ứng của việc ác khẩu:

Ngày xưa, trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng, liền đến một nhà Bà-la-môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con.

Sư Chất đi về mà lòng phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc đại thánh Thích-ca Mâu-ni, tự nghĩ:

– Đức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?

Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng tinh xá Kỳ Viên mà đi. Cung kính đảnh lễ đức Phật xong, ông chắp tay bạch:

– Bạch đức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo. Con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin đức Phật khai thị.

Đức Phật trả lời:

– Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia.

Nghe tin này Sư Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật. Không lâu sau có con khỉ đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư Chất. Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.

Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời:

– Lúc con chưa ra đời, đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chận con một cách vô lý.

Được cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến tinh xá Kỳ Viên xin xuất gia với đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.

Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì để uống. Tỳ-kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.

Về tới tinh xá, một vị tỳ-kheo đi tìm đức Phật xin thỉnh giáo:

– Bạch Thế Tôn, trong quá khứ tỳ-kheo Mật Thắng đã tu phúc đức gì mà bây giờ bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?

Theo nhà Phật, lời nói nói ra làm người khác đau khổ thì đều là một cách gieo nghiệp bất thiện. Vì thế theo luật nhân quả, họ cũng sẽ phải chịu quả báo xấu như thường. Đức Phật trả lời:

– Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, nên sau khi chết rồi nó được sinh ra làm người, và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được đường và mật bất cứ lúc nào và ở đâu.

Đức Phật nói xong, vị tỳ-kheo nọ hỏi tiếp:

– Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa làm thân khỉ?

Lúc ấy xung quanh đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp:

– Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xảy ra cách đây 500 kiếp về trước, thời đức Như Lai Ca-diếp còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ-kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ-kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ-kheo kia giống hệt như con khỉ.

Nhưng sau đó thầy ấy tự biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ-kheo mà mình đã chế nhạo. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, tuy nhiên nhờ thắng duyên biết sám hối nên kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A-la-hán một cách mau chóng.

Nghe đức Phật giảng xong, các vị tỳ-kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói. Bởi vì luật nhân quả “khẩu nghiệp và quả báo” không bỏ sót bất cứ một ai.

Đức Phật dạy ác khẩu hay còn gọi là ác ngữ là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). Nó sẽ gây ra nhiều điều hối hận cho con người trong cuộc sống khi nói ra.

Những lời ái ngữ có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi tâm trạng buồn bã của mọi người. Và nếu khuyến tấn đúng thời điểm, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương.Từ đó, dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi và những việc làm bất thiện

Ngược lại lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta phải ăn năn hối hận cả cuộc đời. Trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.

Phật giáo gọi điều này là tạo nghiệp bất thiện, mà đã là nghiệp bất thiện thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến hậu quả khó lường.

Đức Phật luôn dạy: “Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Bạn càng nguyền rủa họ, tâm bạn càng bị nhiễm ô. Bạn hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của bạn.”

Cảm ơn các bạn đã theo dõi chương trình này của chúng tôi. Mời bạn khám phá thêm các nội dung thú vị khác được cập nhật liên tục trên kênh của Xem tử vi online nhé. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong các video tiếp theo!

 

Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi

Bài viết cũ hơn:

Lời Phật dạy về nhân quả báo ứng - Gieo nhân nào gặt quả nấy

Lời Phật dạy về đạo làm người ai cũng cần phải biết

Lĩnh hội lời phật dạy về cuộc sống vô thường, giúp thức tỉnh đời người

Giác ngộ lời Phật dạy về sinh tử - Cho cuộc đời bớt khổ đau

Lời Phật dạy về buông bỏ cho lòng thanh thản, tâm thanh tịnh

Lời Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu đáng suy ngẫm

Những lời phật dạy về tha thứ sâu sắc và ý nghĩa