Danh mục

Cầu siêu là gì? Tại sao phải làm lễ cầu siêu cho vong linh?

Cầu siêu là gì? Nên cầu siêu cho vong linh vào thời gian nào? Mục đích của lễ cầu siêu là gì?

Cầu siêu là nghi thức tâm linh quan trọng, nhằm giúp những người thân quá cố thoát khỏi cảnh lang thang vất vưởng. Vì xót thương họ mà ta mà làm những công đức để hồi hướng cho họ được nương vào phước lành mà sanh vào cõi thiện. Đồng thời cũng giúp tâm người sống được thanh thản, cuộc sống an bình, suôn sẻ.

Cầu siêu cho vong linh

Cầu siêu là gì?

Cầu tức là cầu nguyện, siêu có nghĩa là thoát. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để người quá cố nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật.

Những người cần cầu siêu là những người đã quá cố và có quan hệ với ta. Khi cầu siêu cần có thái độ là kính trọng và thương mến tất cả những vong linh mà ta cầu nguyện. Những điều này vô cùng quan trọng cho vong linh vì đó là cách ta biểu hiện lòng thành khẩn và tình thương, rằng ta thật sự tu giùm cho vong linh.

Do đó chúng ta cần phải ghi nhớ rằng: “Ta tu là tu cho toàn thể mạng lưới những người có duyên với ta.” Nhất là các em bé chưa sinh ra nhưng đã qua đời, hay những người bất đắc kỳ tử, những kẻ chết mà không làm chủ được giây phút lâm chung.

Nguồn gốc của cầu siêu

Trong Kinh kể rằng, vì muốn báo hiếu cha mẹ, Đức Mục Kiền Liên đã dùng thần thông để soi khắp các cõi Trời, soi khắp các tầng địa ngục để tìm cha mẹ mình. Nhờ có thần thông, biết mẹ mình đang đoạ lạc, nên Ngài đến cầu xin Đức Phật tìm cách cứu mẹ.

Đức Phật dạy rằng, nhân dịp chư Tăng sau ba tháng an cư, tinh tiến tu tập ba phần giới, định, tuệ, tích lũy đầy đủ công đức, nên cúng dường với tâm bình đẳng, thanh tịnh để chư Tăng chú nguyện vào phẩm vật cúng dường. Đức Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy và cứu được mẹ thoát tội địa ngục.

Kể từ đó bắt đầu hình thành nghi thức cầu siêu. Chúng ta không có thần thông, không thể biết giờ này người thân quá cố còn lưu lạc nơi đâu. Những người lúc sống biết tu tập thì được sinh về cõi Tịnh Độ, nếu làm nhiều việc thiện tạo phúc thì sinh lên cõi Trời. Còn nếu lúc sống phạm nghiệp sát sinh, vọng ngữ, uống rượu, trộm cắp …thì khó có thể tránh khỏi đọa vào các cõi địa ngục, ngã quỷ, súc sinh.

Mục đích của lễ cầu siêu

Tại sao phải làm lễ cầu siêu?

Theo Lời phật dạy, thế gian gồm có sáu cõi: Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, Người, Atula và Trời. Chúng sinh trong sáu cõi này đều tuân theo quy luật của tự nhiên, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng cái chết không phải là hết, mà chỉ là sự trung gian giữa cõi sống này và cõi tiếp theo.

Sự sống của 1 con người gồm hai phần: Phần thể xác là thân vật chất và phần tâm linh hay còn gọi là phần tâm thức. Chính nhờ phần tâm linh mà chúng ta biết suy nghĩ, nói cười. Khi chết đi, phần tâm linh tách khỏi phần vật chất, xuất hẳn ra ngoài, nên cái thân sau khi chết tuy vẫn còn mắt nhưng không thể nhìn, vẫn còn não nhưng không thể suy nghĩ, ngay cả đến tim cũng không còn đập nữa.

Nhưng phần tâm linh, mà dân gian vẫn quen gọi là phần hồn, thì không bao giờ mất. Khi rời bỏ xác thân, theo quy luật và tùy vào nghiệp lực mà phần hồn sẽ bị đưa đẩy, trôi lăn trong sáu đạo luân hồi.

Cõi thấp nhất là Địa ngục. Nếu khi sống tạo nhiều ác nghiệp, sát sinh, tạo nghiệp bất thiện, thì sau khi chết sẽ bị đoạ xuống địa ngục để chịu vô vàn tội khổ. Chúng sinh ở địa ngục không được tự do đi lại, chỉ khi có năng lực thần chú đặc biệt của Đức Phật, năng lực của chúng tăng cầu nguyện, mới tạm thời phá địa ngục để vong hồn được ra trong chốc lát.

Cõi tiếp theo là ngã quỷ, là cõi vô hình đứng thứ hai sau Địa ngục. Trước khi chết, nếu có những điều uất ức trong lòng, hoặc chết do tai nạn, chết đường, chết sông, chết suối… sẽ không siêu thoát, bị đọa vào cảnh giới của loài quỷ. Bằng mắt phàm, chúng ta không thể nhìn thấy được, song trong cùng một thế giới này, chúng ta là thế giới có vật chất, còn loài quỷ và Địa ngục là thế giới vô hình.

Loài quỷ vốn không có hình tướng và chỉ tồn tại phần tâm thức, chỉ sống với phần hồn. Tuy so với chúng sinh cõi địa ngục, ngã quỷ tự do hơn, không bị nhốt, không bị tra tấn, song họ phải sống trong cảnh đói khát, khổ sở và cô đơn. Chúng sinh sau khi chết thường trải qua 49 ngày trung ấm, cũng chỉ tồn tại dưới dạng tinh thần, không có hình tướng, giống như loài quỷ.

Đây giai đoạn sau khi rời khỏi cõi hiện tại và chuẩn bị bước vào cõi sống tiếp theo. Nhưng nếu sau 49 ngày vẫn chưa siêu thoát, vì một nguyên nhân nào đó cứ bám chấp, quanh quẩn, mắc kẹt trong trạng thái này, thì linh hồn sẽ bị đọa làm ngã quỷ.

Vì thế, ở những nơi có nhiều người tự tử hay chết do tai nạn, đôi khi chúng ta cảm thấy lành lạnh, rợn người. Đó là do những linh hồn ấy vẫn vất vưởng, quanh quẩn nơi đó, có khi còn xui xiểm người khác, khiến họ bị che mờ trí tuệ dẫn đến tự tử hay uổng mạng vì tai nạn.

Loài quỷ thường bị đọa rất lâu, thời gian có thể tính là vô số, có khi đến hàng trăm hoặc hàng nghìn năm. Trừ khi gia đình, người thân biết cách tu tập, hồi hướng, cầu nguyện và làm lễ cầu siêu đúng cách để khai thị cho họ tỉnh ra mới có thể siêu thoát được.

Tiếp đó đến cõi Súc sinh, những loài sống xung quanh chúng ta như gà, lợn, vịt... Xong rồi đến cõi người, trên cõi người là cõi A Tu la. Cõi A Tu la gần với cõi Trời, tuy rất sung sướng nhưng lại suốt ngày chịu cảnh đánh nhau bởi tâm tật đố, ghen ghét, kiêu căng. Trên A Tu la là cõi Trời.

Cõi trời cũng là một cõi vô hình nhưng tâm thức sống rất an lạc, hạnh phúc. Có điều hạnh phúc ấy chỉ giả tạm một thời gian. Sau khi hết phúc, chúng sinh cõi Trời lại bị đọa xuống các cõi thấp hơn.

Thông thường, mục đích của lễ cầu siêu để nguyện cho những người thân quá cố nếu lỡ chẳng may đọa lạc vào ba cõi thấp, có thể nhanh chóng được giải thoát, siêu sinh lên các cõi trên an lành hơn.

Dân gian quan niệm rằng “âm siêu thì dương thịnh” tức là người quá cố được siêu thoát thì người sống mới được an lành, suôn sẻ. Lễ cầu siêu còn nhắc nhở những người còn sống phải năng tạo nghiệp lành để hồi hướng công đức cho người thân đã khuất, trợ duyên cho họ vượt qua bể khổ trầm luân bởi những ác nghiệp đã gieo trồng từ quá khứ.

Lễ cầu siêu được thực hiện vào thời gian nào?

Cầu siêu 49 ngày

Thời hạn cầu siêu cho vong linh tốt nhất là trong vòng 49 ngày. Bởi vì đối với người bình thường mà nói, chết xong còn trải qua thời gian 49 ngày chờ đợi cho nghiệp duyên chín mùi mới quyết định tái sinh ở cõi nào.

Nếu trong thời gian này mà con cái, thân nhân biết lấy công đức cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo để hồi hướng cầu siêu độ thì người chết, nhờ công đức thiện nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên cõi thiện (Trời, Người) và được siêu độ.

Nếu để qua 49 ngày mới tổ chức cầu siêu thì chỉ có thể tăng thêm phúc đức cho người đó, chứ không thể ảnh hưởng gì đến hướng tái sinh của họ nữa.

Tuy nhiên, trong trường hợp người thân bị chết oan, chết thê thảm, do oan trái chưa trả nên có thể sinh ở cõi quỷ. Thông thường, người ta gọi đó là quỷ ám. Trong trường hợp đặc biệt này, phải nhờ Phật lực giúp cho vong linh tái sinh ở cõi thiện.

Mùa siêu độ chính là mùa Vu Lan vào tháng 7 âm lịch hoặc dịp tết Thanh Minh hàng năm để tưởng nhớ và cầu siêu cho người đã mất. Ngoài ra cũng có thể thực hiện lễ cầu siêu đều đặn vào ngày rằm hàng tháng, hoặc các dịp quan trọng như: rằm tháng giêng, rằm tháng 4, rằm tháng 7, rằm tháng 8, rằm tháng chạp.

Trên đây là các thông tin Xem tử vi online nghiên cứu và chọn lọc, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

 

Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi