Phật Thích Ca Mâu Ni là ai? Sự tích và cuộc đời Đức Phật Thích Ca

02-03-2020 12:00

Lịch sử Đức Phật Thích Ca, Ngài là ai, ra đời như thế nào, ở đâu? Tóm tắt chi tiết cuộc đời Đức Phật Thích Ca.

Theo bách khoa toàn thư, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Siddhārtha Gautama tiếng Phạn là सिद्धार्थ गौतम, phiên âm Hán Việt là Tất đạt đa Cồ đàm hay còn gọi là Shakyamuni là một triết gia, học giả, người sáng lập nên Phật giáo, từng sống vào thời kì Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và 4 trước Công nguyên.

Theo các bộ kinh Phật giáo truyền lại và sử liệu, Ngài là một vương tử hoàng tộc Gautama (Cồ Đàm) của tiểu quốc Shakya (Thích ca) ở Kapilavastu (Ca tỳ la vệ), đã từ bỏ đời sống phú quý để tìm đạo. Sau sáu năm cầu đạo, Ngài đạt được giác ngộ tâm linh và dành 45 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ.

Phật Thích Ca Mâu Ni là ai?

Phật Thích Ca Mâu Ni là ai?

Đức Phật được các Phật tử coi là một bậc đạo sư đã giác ngộ viên mãn và tự giải thoát hoàn toàn khỏi quy luật sinh tử luân hồi, hiểu rõ được sự vận hành của thế giới, truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác để con người có thể tự chấm dứt khổ đau bản thân, có được hạnh phúc tối thượng.

Sự tích Phật Thích Ca, những lời dạy và các giới luật của Ngài được những học trò ghi nhớ và tổng hợp lại sau khi ông qua đời. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của ông được lưu giữ qua truyền miệng và được viết thành sách 200 năm sau.

Gia thế và bối cảnh lịch sử Đức Phật Thích Ca ra đời

Tất đạt đa Cồ đàm đã sống và truyền dạy giáo lý trong thời Mahajanapada dưới thời cai trị của Bimbisāra (Tần bà sa la) từ 558 - 491 TCN) và qua đời trong thời gian đầu của triều đại Ajātaśatru (A xà thế), người kế thừa của Bimbisāra.

Thời điểm chính xác năm sinh và năm mất theo lịch hiện đại của ông không được ghi nhận rõ. Tuy nhiên, đại hội Phật giáo thế giới đã thống nhất cho rằng Đức Phật sinh khoảng năm 624 trước Công nguyên và qua đời khi 80 tuổi tức năm 544 TCN.

Cha ông là Suddhodana (Tịnh phạn), người đứng đầu tiểu quốc Shakya (Thích ca), một tiểu quốc nằm ở vùng biên giới Ấn Độ - Nepal ngày nay. Mẹ ông là Maya (Ma da), người tiểu quốc Koli láng giềng.

Sự tích Phật Thích Ca

Phật Thích Ca ra đời tại vườn Lumbini (Lâm tỳ ni), nay thuộc Nepal. Chuyện kể rằng cách đây 91 đại kiếp Trái đất, đã có 1 vị Phật Chánh Đẳng Giác tên là Vipassī (Phật Tỳ bà thi) ra đời. Có một công nương (con một vị đại thần trong triều đình) đã cúng dường Phật Tỳ bà thi với lòng chí thành và ước nguyện rằng trong tương lai, cô sẽ được làm mẹ của 1 vị Phật. Đức Phật Tỳ bà thi đã thọ ký cho cô sẽ được như nguyện. Công nương đó chính là tiền kiếp của hoàng hậu Maya.

Trước đó mười tháng, hoàng hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, vòi cuốn một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chui vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, sáng chói như ánh trăng rằm. Thức dậy, bà đem chuyện giấc mộng kỳ lạ kể cho nhà vua nghe. Nhà vua liền cho mời 64 nhà tiên tri Bà la môn đến giải mộng, các vị này đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sinh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng lẫy.

Theo các kinh điển Phật giáo, ngay từ lúc sinh ra, ông đã có đầy đủ tướng tốt và tên được chọn là Siddhartha (Tất Đạt Đa) có nghĩa là “người thành đạt nguyện vọng”.

Phật Thích Ca ra đời

Phật Thích Ca ra đời

Lúc này Vua Suddhodana nghe 1 tin đồn sẽ có 1 vị cao nhân đến thăm, người đó là tu sĩ Asita (A tư đà). Khi xem các tướng của thái tử thì thái tử giơ 2 chân lên đầu Asita, ngài nhìn xuống lòng bàn chân và nói "Dưới 2 lòng bàn chân của thái tử, có hình bánh xe ngàn căm và 32 tướng tốt, sau này chắc chắc thái tử sẽ là một nhà tu hành đắc đạo, hoặc là một chuyển luân thánh vương cai trị toàn Ấn Độ".

Khi tiên nhân Asita vừa nói xong ngài bật khóc, vua Suddhodana hỏi tại sao khóc thì tiên nhân Asita đáp lại rằng "sau này tôi không thể nghe 1 bậc thánh nhân giảng pháp vì tôi đã quá già rồi". Nói xong vua cha Suddhodana bực tức, nói rằng "Con ta sẽ là 1 bậc chuyển luân thánh vương, nên tôi xin mời tiên nhân về cho, tôi còn phải cho các thần dân xem con tôi đã". Lúc này tiên nhân Asita đi về và nén lại giữa đám đông để nhìn mặt của thái tử và đệ tử ông cũng có hỏi rằng "tại sao ngài không về", Asita đáp "Vì ta đang nhìn cả 1 vũ trụ lần cuối".

Bảy ngày sau khi sinh thì hoàng hậu Maya - mẹ của Siddhartha mất, ông được người dì ruột là Mahāpajāpatī Gotamī (Ma ha ba xà ba đề) chăm sóc. Bà Gotamī là em gái của hoàng hậu Maya (cả hai cùng kết hôn với vua Suddhodana) đã tình nguyện nhận nuôi dưỡng Thái tử Siddhartha, còn con ruột của mình là Nanda thì giao lại cho người vú chăm sóc.

Về sau, khi Siddhartha đã đắc đạo, Bà Gotamī đã xin Phật cho phép xuất gia, trở thành nữ đệ tử đầu tiên của Phật giáo và sau này đã đắc quả A la hán.

Kinh Phật nói rằng mẹ của mọi vị Phật đều sẽ qua đời vào 7 ngày sau khi sinh (bởi phước báu quá lớn của việc đản sinh ra Phật sẽ giúp người mẹ xả bỏ thân xác yếu ớt và thọ mạng ngắn ngủi của con người để tái sinh làm thần trên cõi Trời.

Sau khi qua đời, bà Maya đã tái sinh làm 1 vị thần trên cõi trời Đâu suất có tên là Māyādevaputta. Sau này khi thành đạo, Phật Thích Ca đã dùng thần lực để thuyết Vi diệu pháp cho vị thần (tiền kiếp là mẹ mình) trên cõi trời này để tỏ lòng biết ơn thân mẫu.

Do lời tiên đoán rằng thái tử sẽ bỏ đi tu hành "sau khi thấy một người già, một người bệnh, một xác chết và một sa môn" nên vua Suddhodana tìm đủ mọi cách cho Siddhartha hưởng đầy đủ lạc thú trong hoàng cung, không bao giờ phải nhìn thấy các cảnh khổ đau, bệnh hoạn, già chết ở đời.

Siddhartha đã sống một cuộc sống thanh tịnh. Vua Suddhodana vốn muốn con ông nối nghiệp mình nên không muốn thái tử đi tu. Ông đã cho nhiều người danh tiếng dạy dỗ cho con rất kỹ lưỡng, cho thái tử hưởng đầy đủ vinh hoa phú quý, nhất là không để thái tử tiếp xúc với cảnh khổ của cuộc đời.

Sau này, Phật kể lại: "Đời sống của ta (lúc bấy giờ) thật là tế nhị, vô cùng tinh tế. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh sen trắng đua nhau khoe vẻ đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Kāsi đưa về. Khăn và xiêm áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ Kāsi chở đến".

Năm lên 18 tuổi, Siddhartha kết hôn với công chúa Yaśodharā (Da du đà la) của thị tộc Koli. Tuy thế, theo mô tả của các kinh điển Phật giáo, các dục lạc không thể giữ chân Siddhartha. Do nhân duyên không thể tránh khỏi, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, thái tử Siddhartha phát tâm tu hành. Rồi trong một đêm, ông lặng lẽ từ biệt hoàng cung, quyết định sống cảnh không nhà của một tu sĩ.

Tương truyền rằng, cả bốn người trong cảnh ngộ vừa kể là do các vị thần trên thiên giới biến hóa thành nhằm nhắc nhở ông lên đường tu thành Phật quả. Tất Đạt Đa thấy rằng ba cảnh đầu tượng trưng cho cái khổ trong thế gian và hình ảnh tu sĩ chính là cuộc đời của ông.

Xuất gia

Năm 30 tuổi, sau khi công chúa Yaśodharā hạ sinh một bé trai được đặt tên là Rāhula (nghĩa là Chướng ngại), Tất Đạt Đa quyết định từ bỏ cuộc sống xa hoa, lìa cung điện bất chấp nỗ lực ngăn cản của cha mình. Trong đêm tối, ông gọi người nô bộc trung thành là Channa (Sa nặc) lấy con ngựa Kanthaka (Kiền Trắc) rồi ra đi.

Tất Đạt Đa xuất gia

Tất Đạt Đa xuất gia

Khi tới bờ sông Anomà, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Channa, lệnh cho Channa trở về. Sử sách Phật giáo xác định rằng đó là rạng ngày mồng 8 tháng 2 năm 595 trước công nguyên, và gọi đó là cuộc đại xuất hành (cuộc ra đi vĩ đại).

Theo thế giới tâm linh, các vị trời trên thiên giới đã phù phép để các lính canh ngủ gục, giúp chuyến ra đi của thái tử Siddhārtha diễn ra thuận lợi. Khi thái tử Siddhārtha cắt tóc và ném lên trời, mớ tóc không rơi xuống mà bay vút lên không trung rồi biến mất.

Sau khi trở về, ngựa Kanthaka vô cùng buồn bã, bỏ ăn mấy ngày rồi chết. Nhờ thiện nghiệp đưa thái tử đi xuất gia, ngựa Kanthaka được tái sanh làm một vị tiên nam trên cung trời Tavatimsa.

Siddhārtha bắt đầu thử cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Ông quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo phái khác nhau. Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A la la Ca lam và Ưu đà la La ma tử.

Nơi A la la Ca lam, Tất Đạt Đa nhanh chóng đạt đến cấp Thiền Vô sở hữu xứ. Nơi Ưu đà la La ma tử thì học đạt đến cấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ là trạng thái siêu việt nhất của thiền định.

Nhưng Siddhārtha cũng không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình. Ngay cả cấp độ thiền định cao nhất là "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" chưa đạt đến mức độ triệt để cho việc giải thoát khỏi khổ đau, không phải là chân lý tối hậu, nên ông quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát. Có 5 Tỳ kheo đồng hành cùng ông.

Sau 5 năm tu khổ hạnh, có lúc gần kề cái chết, Siddhārtha nhận ra đó không phải là cách tu dẫn đến giác ngộ, bắt đầu ăn uống bình thường, 5 Tỳ kheo kia thất vọng bỏ đi. Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, ông từ bỏ cách tu này. Quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, ông tìm phương pháp khác.

Đạt tới giác ngộ

Sau 5 năm tu khổ hạnh không đạt kết quả, Siddhārtha quyết định ăn uống bình thường trở lại, đến Giác Thành. Siddhārtha thường đến bờ sông Nairanjana (hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala đang dắt bò xuống sông tắm thì thấy Siddhārtha đang ngồi thiền định, họ sanh lòng kính mến liền tự tay vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Siddhārtha ăn xong cảm thấy thân thể khoẻ mạnh.

Ðến ngày thứ 49, Siddhārtha ngồi thiền định dưới gốc cây cổ thụ Ni câu đà (cách cây Bồ đề khoảng 150m về hướng đông), sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Sujata (Tu Xà Đề), con ông trưởng làng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn. Khi thấy Siddhārtha đang tĩnh tọa, hai nàng đặt bát cháo sữa bằng vàng trước mặt, cung kính đảnh lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa, Siddhārtha thấy cơ thể khoẻ mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà xuống sông Nairanjana tắm, tâm trạng ông vô cùng phấn chấn, cảm thấy sắp đạt thành tựu viên mãn.

Đức Phật Thích Ca đạt tới giác ngộ

Đức Phật Thích Ca đạt tới giác ngộ

Tương truyền rằng sau khi rửa bát xong, ông để cái bát bằng vàng trên dòng nước và nguyện rằng: "Nếu hôm nay ta được chứng quả thành Phật, thì nguyện cho cái bát nầy nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông". Quả nhiên cái bát nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông 80 sải tay, đến khi gặp phải một xoáy nước mạnh thì chìm xuống đáy sông, đúng nơi có 3 chiếc bát vàng của 3 vị Phật đắc đạo trước Siddhārtha trong Hiền kiếp này (Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp).

Sau đó, Siddhārtha đi trở lên bờ, đến cội Bồ-đề ở Bodh Gaya (Bồ đề Đạo Tràng) và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Trước khi ngồi, ông thầm nghĩ làm thế nào có một tòa ngồi cho yên tĩnh, trang nghiêm.

Bỗng thấy một em bé tên là Sotthiya Svastika (Cát tường) gánh cỏ đi ngang qua đó, ông gọi lại hỏi xin một mớ cỏ để làm tòa ngồi. Em bé cung kính dâng ông sáu bó cỏ sắc mềm mại và có hương thơm. Ông xấp cỏ thành tọa cụ và bồ đoàn, ngồi kiết già, lưng thẳng đứng hướng về phía gốc cây, mặt hơi cúi xuống nhìn về hướng đông, phía bờ sông Nairanjana.

Đêm hôm đó, Siddhārtha bắt đầu thực hành các pháp thiền định. Cuối cùng, ông đạt Diệt-Thọ-Tưởng định (Nirodha samapatti), tỏa ra uy năng chiếu khắp Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Ma vương Mara không muốn ông đắc đạo, đã quấy nhiễu bằng nhiều phương thức, nhưng cuối cùng đều thất bại. Ba cô con gái của ma vương tên là Tanhā (Ái Dục), Aratī (Bất Mãn) và Ragā (Tham Vọng) hóa ra ba nàng tiên tuyệt đẹp để quyến rũ, nhưng cũng chịu thất bại.

Sau khi hàng phục ma vương xong, Siddhārtha tiếp tục nhập Diệt Thọ Tưởng định và bắt đầu chứng đắc các đạo quả:

Tận diệt các vi tế phiền não còn ẩn náu trong tâm làm nghiệp nhân cho Sinh Tử Luân Hồi. Ðến canh một đêm đó, ông chứng Túc-Mạng-Minh biết rõ tất cả các tiền kiếp của ông (ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng thế nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết thế nào, rồi tái sinh thế nào...)

Tận diệt các vi tế vô minh. Ðến canh ba, ông chứng Thiên Nhãn Minh biết rõ tất cả sự biến chuyển của vạn vật qua các giai đoạn thành, trụ, hoại, không và biết rõ tất cả chúng sanh (ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng thế nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết cách nào, rồi tái sinh thế nào...) Ông biết rõ tất cả nhân duyên nghiệp báo của chúng sinh, từ đó suy ra luật Nhân Quả và Luân Hồi.

Tìm ra phương cách giúp chúng sinh chấm dứt phiền não và vô minh, đạt đến giác ngộ hoàn toàn, thoát ra khỏi vòng Sinh Tử Luân Hồi. Ðến canh năm, ông chứng Lậu Tận Minh). Do đã biết rõ tất cả các tiền kiếp của chính bản thân mình và của mỗi chúng sinh, nên ông nhận thấy rõ ràng đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc chân thật vĩnh cửu và làm thế nào để đạt được nó. Ông đã tìm ra Tứ Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo).

Theo sử Phật giáo, đó là ngày mùng 8 tháng chạp âm lịch năm 589 TCN. Ở tuổi 35, Siddhārtha đã đạt tới giác ngộ, trở thành Phật toàn giác, là bậc anuttara samma sambodhi (Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác), là đức Phật Shakyamuni (Thích ca Mâu ni).

Từ thời điểm đó, Siddhārtha biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh một lần nào nữa. Ông biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt, cũng như ông thấy con người đã bị áp đảo bởi vô minh, tham lam và thù hận nên họ rất khó có thể nhận ra "con đường giác ngộ", vốn rất sâu sắc và khó nắm bắt.

Truyền giảng giáo lý

Sau khi giác ngộ, Phật có ý định gặp 2 vị thầy cũ của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta để truyền đạo, bởi 2 người đều là bậc tu sĩ đã đạt cảnh giới thiền rất cao, không còn bị che mắt bởi dục lạc. Nhưng cả hai vị đều đã qua đời cách đó ít lâu.

Cuộc đời Đức Phật

Cuộc đời Đức Phật

Ông quyết định tới gặp năm người bạn đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai gần Benarès và truyền dạy giáo lý của mình cho họ. Tất cả năm vị sau đó đều trở thành A la hán. Sự kiện này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau khi Tất đạt đa thành đạo.

Ông bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát. Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, ông đã giảng các bài khác nhau phù hợp với căn cơ của nhiều người. Ông đi nhiều nơi, nhiều vùng miền ở lục địa Ấn Độ, giảng giải giáo pháp và điều này diễn ra liên tục trong vòng 45 năm.

Thông qua những lời dạy của mình về chân lý cuộc đời, Tất đạt đa đã dần dần gây dựng được một đội ngũ đệ tử lớn gồm 4 thành phần: tỳ kheo (nam tu sĩ), tỳ kheo ni (nữ tu sĩ), ưu bà tắc (nam cư sĩ), ưu bà di (nữ cư sĩ).

Nhập Niết bàn

Trong kinh điển Pali, Thế Tôn Tất đạt đa Cồ đàm tại thế tám mươi năm, tại thành phố Câu-thi-na của bộ tộc Malla vào năm 544 trước Công nguyên, địa điểm này được các nhà khảo cổ nhận dạng là Kasia ở quận Deoria của xứ Utta Pradesh ngày nay.

Trước khi qua đời, Tất đạt đa tạo điều kiện cho các tỳ kheo cơ hội cuối cùng để chất vấn hay hỏi đáp nếu như có những vấn đề hay những điểm nào còn chưa sáng tỏ có thể đưa đến các kiến giải khác nhau về sau, tuy nhiên các vị này đã im lặng. Lời dạy cuối cùng của ông: "Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, chịu biến hoại, hãy tinh tấn tu học (để đạt giải thoát)”.

Mặc dù cuộc đời Đức Phật Thích Ca có nhiều huyền thoại bao phủ nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học vốn hay có nhiều hoài nghi và thành kiến cũng đều nhất trí công nhận ông là một nhân vật lịch sử có thật và là người đã thành lập ra Phật giáo.

Những gì Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ vốn đã là chân lý từ muôn thuở, tồn tại vĩnh cửu trong khắp các cõi thế gian và vũ trụ, dù có Phật tại thế hay không, dù chúng sinh có biết và tin hay không thì chân lý đó vẫn tồn tại và chi phối vạn vật. Chân lý đó rất vi diệu, không thể dùng lời nói để diễn tả mà phải tự mình chứng đắc, những lời dạy của Đức Phật chỉ là phương tiện để giúp người tu hành tự mình đạt tới chân lý.

Trên đây là các thông tin xem tử vi nghiên cứu và chọn lọc, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Mời bạn theo dõi Xem tử vi online để cập nhật thêm những thông tin hữu ích khác.

 

Tổng hợp bởi Xemtuvi.mobi

Bài viết cũ hơn:

Lời phật dạy về tình bạn cao thượng

Lời Phật dạy về cuộc sống an nhiên tự tại, sướng khổ tại tâm

Lời Phật dạy về khẩu nghiệp và quả báo từ ác khẩu

Lời Phật dạy về nhân quả báo ứng - Gieo nhân nào gặt quả nấy

Lời Phật dạy về đạo làm người ai cũng cần phải biết

Lĩnh hội lời phật dạy về cuộc sống vô thường, giúp thức tỉnh đời người

Giác ngộ lời Phật dạy về sinh tử - Cho cuộc đời bớt khổ đau